>[!Info] >Đào tạo nhân tài trong đó có nhân tài vật lí cần phải thật sớm, thật nhanh và cá thể hoá theo hướng dạy tích hợp, dạy bản chất. Tôi thường tự nhận mình là một nhà vật lí nhưng cho đến ngày hôm nay, lần đầu tiên tôi mới tham dự một hội nghị vật lí do Hội vật lí tổ chức. Trước đó, tôi thường tham dự các hội nghị vật lí chất rắn, từ học, khoa học vật liệu, công nghệ nano. Điều đó cho thấy vật lí cũng như các ngành khoa học khác đang có hai xu hướng. Một là phân mảnh thành các lĩnh vực hẹp hơn như vật lí chất rắn, từ học, bán dẫn, lí thuyết. Hai là hội tụ với các ngành khác để tạo ra các liên ngành mới như công nghệ nano, khoa học vật liệu trong đó không chỉ tích hợp vật lí với hoá học mà còn với sinh học và khoa học môi trường. Xu hướng liên ngành, thậm chí xuyên ngành (tức là không chỉ các ngành khoa học mà còn cả các ngành phi khoa học như luật pháp, đạo đức, văn hoá) ngày càng mạnh mẽ thể hiện ở sự gia tăng các hội thảo, các trung tâm nghiên cứu mới, các tạp chí hàng đầu, các công trình khoa học với sự tham gia của các chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau. Đó là một thực tế dễ nhận biết trên toàn thế giới. Sự thay đổi về nghiên cứu thì như vậy nhưng việc đào tạo nguồn nhân lực vật lí ở trong nước như thế nào? Bài nói ngày hôm nay tập trung vào việc các nhà khoa học, giáo dục Việt Nam nên làm gì để có thể thích ứng với sự thay đổi đó. Theo thông báo của Eurostat, năm 2022, thế giới có 69.8 triệu người làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ, tương đương với khoảng 9 người/1 vạn dân.[^1] Theo báo cáo của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, năm 2020, Việt Nam có khoảng 7 người/1 vạn dân làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chưa bằng 80% so với mức trung bình của thế giới. Như vậy, số lượng người làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở Việt nam thấp hơn mức trung bình trong khi các chỉ số Pisa (Program for International Student Assessment) của học sinh phổ thông của Việt Nam thuộc hàng cao trên thế giới đứng thứ 31-37/81 quốc gia. Còn nếu so Pisa với thu nhập GDP bình quân thì Việt Nam là một ngoại lệ đặc biệt tốt. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ 13 đưa ra kế hoạch khá chi tiết. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước có thu nhập cao. Khâu đột phá để thực hiện mục tiêu trên là nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên khoa học và công nghệ. Nghị quyết trung ương 8, khoá 13, số 45, ngày 24/11/2023 về phát triển đội ngũ trí thức đặt trọng tâm xây dựng hai đại học quốc gia và 2 viện hàn lâm trở thành các trung tâm đào tạo và nghiên cứu đạt trình độ khu vực và quốc tế. Đến năm 2030, hai ĐHQG phải ở trong nhóm 500 các đại học hàng đầu thế giới. Để đạt được các mục tiêu đó, chắc chắn Việt nam cần phát triển đội ngũ các nhà khoa học không chỉ đông về số lượng và còn phải tốt về chất lượng, trải rộng trên các ngành khoa học công nghệ, trong đó khoa học cơ bản, trong đó có vật lí, phải là nền tảng cho các ngành khoa học khác. ### Vật lí ngày càng kém hấp dẫn Cách đây khoảng nửa thế kỉ, khi Việt Nam theo mô hình đào tạo của Liên Xô, khoa học cơ bản, trong đó có vật lí, đã từng là những ngành hấp dẫn của xã hội thu hút được nhiều tài năng theo học. Lúc bấy giờ, theo học các ngành khoa học này là niềm tự hào của sinh viên và phụ huynh. Thời gian trôi qua, đất nước chuyển mình theo cơ chế thị trường, con người trở nên thực dụng hơn, cần những thứ gần gũi, cần thiết hơn cho cuộc sống, các ngành khoa học cơ bản dần bị xã hội xa lánh và trở nên thất thế trước các ngành học khác. Xã hội không cần nhiều người học khoa học cơ bản nhưng vẫn cần một số ít người theo học những ngành này và họ phải là những người có năng lực và đam mê. Điểm đầu vào của khoa vật lí, Trường ĐHKHTN giữ ở mức trung bình so với các ngành khoa học khác. | Năm | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 | | --- | ---- | ---- | ---- | ---- | ---- | | Điểm| 18 | 22.5 | 24 | 24 | 24 | Chắc chắn là có nhiều lí do dẫn đến tình trạng trên, ở đây tôi xin nêu một số lí do chủ yếu 1. Kinh tế thị trường ảnh hưởng đến quyết định của người học theo hướng ứng dụng, gắn với nhu cầu trực tiếp của thị trường lao động. Con người trở nên đời hơn và quên đi cái lãng mạn của các khám phá khoa học. 2. Trong xu hướng tự chủ đại học, thường được đồng nghĩa với tự lo về tài chính, các ngành khoa học cơ bản phải tự bươn trải để tồn tại trong nền kinh tế thị trường, phải hợp tác, cạnh tranh, giành giật sinh viên và cũng giống như các ngành khác, thu học phí cao để các thầy cô trang trải chi phí đào tạo. 3. Xã hội thì luôn thay đổi, khoa học thế giới thay đổi theo hướng liên ngành hoặc chuyên sâu, nhưng đào tạo vật lí từ bậc phổ thông cho đến đại học hầu như không có thay đổi gì đáng kể trong vài chục năm trở lại đây: hàn lâm, ít thực tiễn, không hấp dẫn. Ví dụ, chương trình cử nhân tài năng trước đây thu hút được nhiều sinh viên xuất sắc. Tính hấp dẫn của chương trình tài năng nằm ở việc sinh viên có cơ hội học tập ở các trường đại học hàng đầu thế giới mà không cần đóng học phí. Đây là lí do chính để các sinh viên tài năng theo học trong bối cảnh sinh viên Việt Nam đi du học rất khó khăn và cơ chế tuyển chọn sinh viên giỏi còn hạn chế. Trong vòng vài năm, chương trình tài năng sẽ như một tấm vé bảo hiểm về trình độ học vấn và năng lực học tập giúp sinh viên theo học ở Đại học Bách khoa Paris hoặc các trường đại học có uy tín khác. Các em sinh viên tài năng nhất không học hết chương trình đại học trong nước mà thường chuyển tiếp sang một đại học ở nước ngoài. Có thể nói chương trình đào tạo tài năng như là một tổ chức trung chuyển (một cái hub) để sinh viên giỏi xuất ngoại. Đóng góp quan trọng là các em đều tiếp tục theo học lĩnh vực khoa học mà mình đang theo đuổi đến hết bậc đại học và sau đại học. Kết quả là đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao được đào tạo tốt trở lại trong nước làm việc và nhiều người trong số họ tham dự hội thảo ngày hôm nay. Ngày nay, đất nước được mở cửa rộng rãi, các cuộc thi trí tuệ có rất nhiều: thi olympic, quốc tế, khoa học kĩ thuật, học sinh giỏi quốc gia, kì thi trung học phổ thông, đường lên đỉnh Olympia,... Đó là các ==sân chơi cho rất nhiều tài năng== khác nhau. Sinh viên nhận được hỗ trợ của bạn bè, phụ huynh học sinh, thậm chí các công ti tư vấn du học cùng với sự thừa nhận của các đại học có uy tín về chất lượng của sinh viên Việt Nam đã mở ra cánh cổng rộng rãi để sinh viên tự tìm con đường du học của mình. Do đó, việc phải theo đuổi một tổ chức trung chuyển như chương trình đào tạo tài năng sẽ không cần thiết nữa. 4. Các trường chuyên đã được chuyên biệt hoá để chuyển mục đích từ đào tạo các sinh viên theo đuổi đam mê khoa học cơ bản thành các sinh viên theo đuổi các giải thưởng để theo học các ngành khác. Điều này giống như việc luyện các kĩ thuật học tiếng Anh không phải giỏi tiếng Anh học tập hoặc nghiên cứu mà để lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với mục đích vào đại học và du học. 5. Cuối cùng là thu nhập. Giá cả trong một nền kinh tế thị trường được quyết định bởi quy luật cung cầu do các cá nhân và doanh nghiệp quyết định. Những yếu tố tham gia thị trường như vậy chỉ có tầm nhìn ngắn hạn và trung hạn chứ không thể có tầm nhìn dài hạn. Hệ quả là thu nhập của các nhà khoa học, các giảng viên chỉ ở mức trung bình, thậm chí là thấp của xã hội. ### Xây dựng đội ngũ vật lí kiểu cũ Nhiều nơi, việc xây dựng đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy vật lí đi ngược với thông lệ quốc tế. Mô hình đào tạo ở Việt nam đã trải qua nhiều lần thay đổi. Người Pháp đến nói rằng Nho học là hư học, và truyền bá cái thực học vào Việt Nam. Các tư tưởng thời khai sáng của Pháp để lại một thế hệ nhân tài của Việt nam trong tất cả các lĩnh vực từ y tế, khoa học, nghệ thuật. Mô hình đào tạo hiện đại theo kiểu Pháp giảng viên là người nghiên cứu, liên ngành, tổng hợp theo đuổi đam mê học thuật. Đó chính là Đại học Đông dương, tiền thân của ĐHQGHN. Liên Xô giúp đỡ Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ với mô hình đào tạo theo các chuyên ngành và một hệ thống các trường đại học ra đời vào các năm 1950. Mỗi trường đào tạo một lĩnh vực, không trường nào xâm phạm trường nào. Nếu có trùng tên thì là bởi ở các địa phương khác nhau. Lúc đó, cả nước chỉ có một vài trường đào tạo một lĩnh vực nên việc phát hiện nhân tài tương đối dễ dàng. Do phát hiện là duy nhất, hầu như không có nhân tài ở chỗ khác nên **tạo nguồn** để bồi dưỡng thành nhà khoa học là phù hợp. "Giữ lại trường làm giảng viên" đã từng là một mơ ước của nhiều sinh viên sau tốt nghiệp. Khi mở cửa, kinh tế vận hành theo thị trường, các đại học lại một lần nữa thay đổi theo yêu cầu của xã hội. Các trường đua nhau mở các ngành đào tạo trùng lặp nhau nên việc phát hiện ra nhân tài là không dễ dàng. Hơn nữa, sau một thời gian quốc tế hoá, sinh viên tốt nghiệp thuộc ở các nước phát triển ở tất cả các ngành nghề tăng dần và việc tạo nguồn cán bộ không còn phù hợp. Không những không phù hợp mà đôi lúc còn cản trở sự phát triển, cản trở những nhân tài ở bên ngoài tham gia một cơ sở giáo dục đại học nào đó bởi sự thiên lệch của những người đứng đầu cho các sinh viên của mình. Hệ thống quản lí cồng kềnh và nhiều cây đa cây đề với lối tư duy không thay đổi đã làm suy yếu nghiêm trọng đội ngũ cán bộ trong các trường công. Các trường tư thích ứng với việc này nhanh hơn các trường công nhưng các trường tư gặp khó khăn trong kêu gọi đầu tư phòng thí nghiệm từ Nhà nước và từ các doanh nghiệp. Việc thầy đào tạo trò, trò nối tiếp thầy từng là một truyền thống tự hào của nhiều đơn vị nhưng do thầy trò tự đào tạo lẫn nhau mà quên mất sự tiến triển như vũ bão của khoa học công nghệ ở bên ngoài, ở quốc tế đã làm cho một số nghiên cứu trở nên lạc hậu và hoàn toàn bị cô lập với phần còn lại của thế giới. Đây được gọi là hôn nhân cận huyết trong khoa học. Hoàn toàn ngược lại với các đại học tiên tiến. Họ không cho phép tiến sĩ tốt nghiệp được ở lại trường mà bắt buộc phải đi sang một trường khác làm việc một thời gian sau đó mới được quay trở lại nếu muốn. Ngay cả khi đã làm việc lâu dài, giảng viên phải bắt buộc đi làm việc ở chỗ khác (sabbatical leave) nhưng vẫn được nhận lương. Đó là điều phổ biến để học thuật phải được giao lưu, trao đổi. Đó là tiêu chuẩn của hoạt động khoa học hiện đại mà chúng ta hoàn toàn thiếu vắng. ==Hãy dừng ngay việc đào tạo nguồn== các nhà khoa học bởi tài năng là cần phải va chạm. Chúng ta nên làm gì để có thể cải thiện tình hình? Thay cho việc kêu ca đổi lỗi cho xã hội và cho nhà nước, các nhà vật lí nên có các hành động cụ thể nằm trong thẩm quyền và trách nhiệm của mình. ### Bậc phổ thông Các nhà khoa học cần tham gia nhiều hơn nữa vào việc đào tạo và giới thiệu các nghiên cứu vật lí hiện đại cho học sinh phổ thông, đặc biệt là học sinh chuyên. Với 1,2 triệu trẻ em được sinh ra hằng năm, chắc chắn sẽ có rất nhiều em có tài năng và đam mê lĩnh vực này. Chỉ có điều phần lớn các em không biết vật lí hiện đại đang được nghiên cứu như thế nào. Phó mặc việc giảng dạy học sinh chuyên vật lí và yêu vật lí cho các giáo viên phổ thông là lỗi của các nhà khoa học. Chúng ta chỉ không ngồi đợi các trường phổ thông mời đến giảng cho học sinh mà Hội vật lí nên xây dựng chương trình đào tạo các học sinh tài năng và liên kết với các trường phổ thông để làm cho ngành của mình trở nên hấp dẫn với các em. Sự khác biệt lớn nhất giữa một giảng viên so với một giáo viên là giảng viên là nhà khoa học. Nhà khoa học không chỉ dạy vật lí mà bản thân họ là người nghiên cứu vật lí nên mang các tri thức khoa học mới mà họ làm hằng ngày đến với học sinh. Khoa học là khám phá các bài toán và tìm lời giải cho các bài toán mới, chưa từng được giải bao giờ hoàn toàn ngược với việc luyện thi là giải các bài toán thường đã có lời giải. Chúng ta cần luyện cho học sinh giải các bài toán nhưng nếu chỉ chú tâm đến giải các bài toán để thi thì sẽ giết chết sáng tạo của học sinh. Học sinh cần biết đến các bài toán chưa có lời giải để trông đợi trong tương lai, một số em có thể là những người đầu tiên trên thế giới đưa ra lời giải cho các bài toán đó. ### Bậc đại học Có một lần anh Nguyễn Thành Nam, nguyên là tổng giáo đốc FPT, nguyên chủ tịch Đại học Funix, có hỏi tôi, nếu có một em học sinh đam mê lập trình đến mức quên cả việc học các môn học khác thì trường em có tuyển sinh viên đó không? Sự đam mê đó là cá nhân chứ không phải đam mê học chuyên tin học để đi thi. Rất nhiều em thích lập ra các chương trình hoàn thiện, thậm chí có thể bán chúng để kiếm tiền. Các em đó không thích học tin học ở trong các trường chuyên. Làm thế nào để các em đó theo học đại học với cách tuyển sinh như hiện nay? Tôi suy nghĩ về điều đó rất nhiều. Không chỉ tin học, các ngành khoa học khác, trong đó có vật lí chắc cũng có những em đam mê vật lí và muốn theo đuổi vật lí ở những chuyên ngành rất cụ thể như thiên văn học, vật lí lí thuyết,... Sự ham thích đó chắc chắn là mang tính cá thể hoá rất cao vì mặc dù là vật lí nhưng các phân ngành của vật lí có sự khác biệt và hấp dẫn khác nhau. Các em chỉ có cách duy nhất là vào các trường chuyên. Nhưng ở đó các giáo viên lại có xu hướng dạy để đi thi và đồng bộ hoá quá trình đào tạo để mất đi cái cá thể hoá của sở thích. Như vậy, cần phải có sự đa dạng trong cách tuyển sinh để có thể thu hút được các học sinh có sở thích và đam mê vật lí nhưng lại không muốn theo học các trường chuyên. Không có nước nào để mặc khoa học cơ bản cho thị trường mà bao giờ cũng hỗ trợ thông qua các phương thức khác nhau. Đối với Việt Nam, chúng ta vận động để lập quỹ học bổng cho các ngành khoa học cơ bản. Tại sao giáo viên sư phạm được hỗ trợ theo Nghị định 116 của Chính phủ thì các nhà khoa học cơ bản lại không? Thực ra các nhà khoa học cần được ưu tiên hơn bởi số lượng các nhà khoa học không nhiều và bản chất công việc cũng khó khăn và vất vả hơn. Việc tạo quỹ học bổng hoặc quỹ ưu tiên tín dụng vừa tạo ra sự chủ động ở các trường, vừa tạo ra sự cạnh tranh. Không chỉ các cơ sở giáo dục công lập mà cả các cơ sở giáo dục tự chủ, ngoài công lập cũng có thể tham gia bằng cách thu hút sinh viên giỏi, được học bổng đến theo học. Đối với học sinh giỏi nhưng có điều kiện họ có thể không cần học bổng, hoặc sử dụng học bổng để theo học nơi có điều kiện học tập tốt. ## Rút ngắn thời gian Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, tuổi mà con người đạt sức sáng tạo cao nhất là từ 25 đến 35. Cho nên, việc rút ngắn thời gian đào tạo để sinh viên tiếp thu các vấn đề thực tiễn của khoa học, công nghệ, đời sống, xã hội trong khoảng thời gian đó là rất cần thiết. Không cần phải đào tạo đủ mới có thể làm nghiên cứu mà phải có định hướng làm gì sau đó mới học. Đó là cách làm của STEM. Suy nghĩ của tôi về đào tạo tài năng các ngành khoa học cơ bản là không phải đào tạo nhiều mà là đào tạo nhanh. Đó là điều kiện cần. Điều kiện đủ là phải cho sinh viên nhanh chóng tiếp cận với các vấn đề khoa học, công nghệ càng sớm càng tốt. Chương trình đào tạo tài năng của Trường Đhkhtn yêu cầu sinh viên học hơn 160 tín chỉ, nhiều hơn 30 tín chỉ so với các chương trình đào tạo chuẩn. Nên các sinh viên phải học rất nhiều, rất khó. Một số người hỏi tôi, các em đó đã giỏi, học vật lí nhiều từ bậc phổ thông, tại sao vào đại học lại bắt học nhiều hơn các em khác? Nếu tạo điều kiện để các SV có thể rút ngắn thời gian học đại học thì không chỉ đó là lợi thế của trường đại học mà còn khuyến khích các học sinh chuyên tích cực tham gia học đại học sớm hơn. Nếu đủ năng lực SV có thể kết thúc học bậc đại học của môn chuyên chỉ trong 3 năm hoặc sớm hơn nữa. Với sự gia tăng của các học liệu trên mạng, chúng ta không cần dạy toàn bộ kiến thức của một lĩnh vực mà chỉ cần dạy kiến thức quan trọng nhất để sinh viên tự tìm hiểu. Từ quá trình học tập, sinh viên có thể tự học để có thể đạt kiến thức một cách nhanh chóng. Các đại học hàng đầu cung cấp cho sinh viên **ý tưởng lớn** từ nhiều nguồn nhưng có hai nguồn quan trọng: giảng viên, giảng viên mời và sinh viên. Giảng viên cung cấp tư tưởng lớn thông qua chính bản thân mình. Sinh viên cung cấp ý tưởng lớn qua giao lưu học hỏi lẫn nhau. Bill Gates, Mark Zukerberg, Dương Ngọc Thái... và nhiều người khác có được ý tưởng và thấy rằng không cần học cũng đủ để khởi nghiệp. Họ đã làm thế, bỏ học để khởi nghiệp. Nhưng ==bỏ học sau khi có được ý tưởng lớn==. ## Thay đổi cách dạy Rút ngắn thời gian thì phải dạy thế nào? Kiến thức nào là quan trọng? Có hai mấu chốt: dạy bản chất và giới thiệu các bài toán nghiên cứu hiện đại, thậm chí giới thiệu các nghiên cứu chưa được giải quyết. Muốn thế, thầy cũng phải giỏi. Thay cho việc mất nhiều thời gian vào các vấn đề kĩ thuật chi tiết, giảng viên nên cân nhắc thay đổi cách dạy như sau 1. Dạy bản chất và ý nghĩa thay vì dạy các kĩ thuật bởi vấn đề kĩ thuật đều có sẵn trên mạng. Ví dụ, thay vì dạy từng kĩ thuật tính tích phân, vi phân cho từng loại hàm số thì nên dạy ý nghĩa của phép tính đó và vận dụng chúng trong các bài toán thực tế. 2. Chú trọng đến phương pháp chuyên môn và phương pháp nhận thức thay vì ghi nhớ. Việc ghi nhớ đã trở nên lỗi thời. Thông tin quá nhiều không thể ghi nhớ được hết. Thay vào đó dạy phương pháp thu nhận thông tin đáng tin cậy và suy nghĩ về bản chất của vấn đề. Nếu thế, chúng ta cần phải dạy triết học và phương pháp nhận thức thông qua lịch sử của môn học. Rất tiếc rằng ở nhiều trường, các môn học này bị bỏ qua hoặc dạy cho xong, ít gắn với thực tiễn của ngành. Hiện nay tôi đang thực hiện việc cập nhật khoa học hiện đại và đổi mới môn triết học ở các bậc đại học và có một số kết quả khả quan ban đầu. 3. Cập nhật các kiến thức hiện đại, đặc biệt là các vấn đề nóng hổi của lĩnh vực. Đây chính là trao cho sinh viên các ý tưởng lớn ngay từ khi bước chân vào giảng đường đại học. Hướng người học nắm bắt các bài toán lớn, bài toán khó, mang tính đương hiện để sinh viên suy nghĩ và có thể theo đuổi lâu dài. Ở bậc phổ thông, vật lí hiện đại đã được phát triển và trở thành một giá trị phổ quát của nhân loại. Nhiều nước trên thế giới đã đưa một số vấn đề của vật lí hiện đại vào giảng dạy ở bậc trung học phổ thông như nguyên lí của cơ học lượng tử, vật lí chất rắn, bán dẫn, transitor,... Chương trình vật lí phổ thông ở Việt Nam chưa cập nhật các nội dung đó mà vẫn dựa trên chương trình của vật lí đại cương. 4. Dạy các kĩ thuật tra cứu tài liệu và phương pháp nghiên cứu khoa học. Các kho tài liệu trên mạng, các diễn đàn chuyên môn, đặc biệt là sự trợ giúp của AI và sử dụng chúng như thế nào sao cho có hiệu quả là các kĩ năng tối cần thiết cho sinh viên. 5. Giới thiệu các chuyên gia giỏi đến tham dự bài giảng. Hơn nữa, tăng cường trao đổi sinh viên giữa các trường, ở trong nước, đặc biệt là quốc tế. Đây là cách rất tốt để gây cảm hứng cho SV thông qua người, việc cụ thể. Do nội dung giảng dạy không thay đổi nhưng thời gian học tập lại giảm đi nên việc tổ chức giảng dạy cần thay đổi nhiều để có thể cho phép sinh viên có thể kết thúc quá trình học tập sớm để tham gia nghiên cứu khoa học hoặc chuyển tiếp học sau đại học. ## Dạy tích hợp và tăng sự lựa chọn Hiện nay các trường phổ thông chuyên được phân chia thành các môn học phục vụ việc thi cử. Với học sinh, **thì thi gì học nấy** thì với thầy cô, thì **khen gì dạy nấy**. Mà việc khen thưởng cho các thầy cô là các giải thưởng thi học sinh giỏi ở cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế. Việc phân mảnh giảng dạy làm suy yếu năng lực tư duy của học sinh bởi các bài toán trong thực tế không giống như con người, chúng xuất hiện không phải vì giải thưởng. Sức hấp dẫn khi kết hợp giữa các ngành khoa học hoàn toàn khác nhau tạo ra các tri thức mới vô cùng thú vị và hấp dẫn. Hãy tưởng tượng sử dụng định luật khuếch tán Fick được áp dụng để tính số lượng ion đi qua một thụ thể nằm trên bề mặt của một tế bào thần kinh mang đến cảm giác đau sẽ mang lại nhiều thông tin không chỉ vật lí mà còn sinh học, hoá học, thần kinh học? Hoặc từ bài toán tính xác suất của các con súc sắc lại liên quan đến entropy nhiệt động học, entropy của Claude Shannon trong khoa học thông tin, liên quan đến sự tiến triển bất thuận nghịch của thời gian hoặc thông tin của Benkenstein-Hawking được mã hoá trên bề mặt chân trời sự kiện của hố đen. Tất cả các kiến thức khoa học hiện đại đấy hoàn toàn có thể được cài vào các bài toán ở bậc phổ thông để thông qua việc giải các bài toán đó, học sinh còn thấy được ý nghĩa trong các tính toán của mình. Có thể nói các trường chuyên đang nắm trong tay một kho vàng, là tài sản vô giá không chỉ của trường mà của xã hội. Từ đó nhận thấy trách nhiệm của các thầy cô và của các nhà khoa học là rất lớn, không chỉ dạy cho các em các kĩ thuật làm bài thi để đạt các giải thưởng mà quan trọng hơn là nuôi dưỡng niềm đam mê và năng lực khác thường của các em để trở thành các nhân tài cho đất nước. Tuyệt đối không được để các tài năng bị thui chột và bị tầm thường hoá do hướng dẫn sai lầm của người lớn. Các khoa học tự nhiên, đặc biệt là vật lí gắn bó với triết học trong hàng ngàn năm. Sự phát triển của khoa học làm chúng tách biệt ra khỏi triết học để cho đến hôm nay chúng ta giảng dạy hai môn học này như thể chúng chẳng liên quan đến nhau. Việc thống nhất nội dung môn triết học trên toàn quốc có ưu điểm giúp việc trang bị tri thức của môn học này được chuẩn hoá nhưng lại thiếu đặc thù áp dụng triết học cho từng lĩnh vực học tập của sinh viên. Việc cập nhật các tri thức khoa học ở các lĩnh vực khác nhau vào triết học không chỉ giúp môn triết học có ý nghĩa hơn mà còn làm cho sinh viên hiểu khoa học ở mức độ sâu sắc hơn. Tranh luận triết học về tính đầy đủ của cơ học lượng tử giữa Bohr và Einstein không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn lí thuyết này (thực ra là chưa có gì rõ ràng hơn nhiều so với trước đây) mà còn dẫn đến các nghiên cứu mới về tính toán lượng tử, viễn tải lượng tử, ý thức lượng tử,... Hiện nay chúng tôi đang thực hiện chương trình dạy tích hợp các môn khoa học tự nhiên trong triết học cho các bậc đại học, thạc sĩ và tiến sĩ thuộc các ngành đào tạo từ khoa học, công nghệ, nhân văn, quản lí và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người học. Sắp tới, chương trình sẽ được mở rộng ra một số trường đại học khác. Các chương trình đào tạo ở bậc đại học gồm ba khối kiến thức. M1 là bắt buộc đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam (trừ các trường quốc tế hoặc các chương trình liên kết quốc tế do nước ngoài cấp bằng). M2 là khối kiến thức của ngành, M3 là khối kiến thức chuyên ngành. Không chỉ ở ĐHQGHN mà ở tất cả các đại học khác đều có cấu trúc tương tự. Chúng ta có thể tăng số lượng các môn lựa chọn thuộc các lĩnh vực khác nhau. Đó chính là đào tạo cá thể hoá. Đào tạo cá thể hoá bằng cho ==sinh viên lựa chọn các học phần theo đúng yêu cầu== sẽ dẫn đến khó khăn trong hiệu quả đào tạo. Thật vây, nếu cả lớp cùng học giống nhau thì hiệu quả hơn nhiều mỗi em một lớp. Tất nhiên là CTĐT linh hoạt sẽ dẫn đến chi phí và công tác tổ chức đào tạo tốn kém hơn đào tạo theo khoá học nhưng có thể giảm thiểu sự phức tạp bằng tư vấn học tập. Tư vấn học tập sẽ cân bằng nhu cầu đa dạng của sinh viên với giảm độ phức tạp của đào tạo. Cá thể hoá còn tăng sự cạnh tranh của các thầy cô giáo. Giáo viên dạy tốt sẽ có nhiều SV đăng kí. Đơn vị tổ chức tốt sẽ có nhiều em theo học. Sự phức tạp của đào tạo cá thể có thể mang lại lợi thế cho các đơn vị có óc tổ chức tốt, các thầy cô dạy giỏi. Tài năng khoa học cần phải trẻ, tâm huyết, và có ý tưởng lớn. Hãy mang đến các em sinh viên sự tâm huyết và ý tưởng lớn của các nhà vật lí. Tham khảo [^1] https://ec.europa.eu/eurostat/statistics-explained/index.php?title=Human_resources_in_science_and_technology. 4/12/2023 Nguyễn Hoàng Hải, Đổi mới đào tạo vật lí để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trình bày tại Hội nghị Vật lí toàn quốc năm 16/12/2023, Viện Vật lí, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Email: [email protected], (c) CC BY-NC.